GIới thiệu chung GIới thiệu chung

Mả táng hàm rồng
Publish date 12/02/2025 | 10:28  | Lượt xem: 360

Trên 20 bức chạm thể hiện sinh hoạt của người đương đại, ở đình Đại Phùng có một bức đặc biệt, diễn tả ý nguyện của người đã khuất. Đó là bức chạm  "Mả táng hàm rồng".

Nghệ nhân xưa khéo dựa vào phần cuối của chiếc câu đình, đục chạm thành bức phù điêu gỗ khá hoàn chỉnh. Tác phẩm điêu khắc này ở phía trong tòa đại đình, sát với hậu cung nên không gian u tịch, thể hiện là cõi âm, vị trí ở cao, lại xa với các bức chạm cảnh nhộn nhịp của trần gian. Gây cho người xem tâm lý linh thiêng, ngưỡng vọng.

Bức chạm nổi rõ ba con người và một con rồng. Người thứ nhất lớn hơn hai người kia, áo quần nghiêm chỉnh, đầu đội mũ mềm kiểu nhà quan, tay phải chống nách, tư thể đĩnh đạc. Có thế đó là người anh cả hoặc người chủ trì công việc của gia đình hay dòng họ. Người thứ hai cởi trần ngồi trên lưng con rồng, tay giữ chặt, mắt nhìn xa. Người thứ ba ở tư thế ngồi chân co, chân hơi duỗi. Tay trái anh ta sờ vào miệng con rồng, tay phải xách chiếc tiểu sành chuẩn bị đặt vào hàm rồng. Cả ba con người đều nhìn về một phía xa xăm, như đạt được ước nguyện của mình, đặt niềm tin vào nơi đắc địa.

Con rồng lớn ở giữa ba người, miệng há to, hở hàm răng (cách điệu như răng người) mắt lồi, râu múa lượn, mình cuộn khúc thoải mái, đuôi mềm mại duỗi thăng. Sự hòa hợp giữa con người và con vật cùng ý nguyện cầu mong sự tốt lành cho tổ tiên nơi chín suối.

Trong tâm thức của người Việt cổ, hình tượng con rồng được đứng đầu trong bộ tứ linh: Long - Ly - Quy - Phượng. Rồng còn biểu thị sự quyền quý, cao sang. Con người khi sống thì đức độ, thành đạt, lúc chết mong được siêu thoát, hiển linh. Đó cũng là vẻ đẹp văn hóa của dân tộc ta.

“Mả táng hàm rồng”