TIN CHÍNH CỦA XÃ TIN CHÍNH CỦA XÃ

Điểm đặc biệt tại đình Đại Phùng hơn 400 năm tuổi sắp được đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt
Publish date 12/02/2025 | 10:33  | Lượt xem: 198

15/2 (tức 18 tháng Giêng) tới đây, tại Di tích quốc gia đặc biệt đình Đại Phùng, xã Đan Phượng sẽ diễn ra lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.

Đình Đại Phùng nhìn từ trên cao.

Đình Đại Phùng là một trong những ngôi đình cổ, có quy mô lớn ở Việt Nam. Đình được xây dựng vào nửa cuối thế kỷ 17. Ngôi đình thờ Đức Thánh Tích Lịch Hoả Quang Thượng đẳng thần và tướng quân Vũ Hùng người có công dẹp giặc dưới thời nhà Trần ở thế kỷ 14. Khu di tích nằm ở trung tâm làng Đại Phùng, trên một khuôn viên rộng hơn 2.500m2 ở vị trí thoáng đẹp, trông theo hướng Tây. Kiến trúc Đình Đại Phùng gồm ba hạng mục chính là tiền tế, đại bái và hậu cung; đầu hồi phía phải là một giếng cổ, nguồn nước đá ong bốn mùa trong xanh.

Đình Đại Phùng là di tích đặc biệt độc đáo ở chỗ toàn bộ cấu kiện nguyên thuỷ được làm bằng gỗ xoan với mái lớn, thân thấp, phù hợp với cả không gian, khí hậu, hoàn cảnh, cho thấy đây là một sáng tạo của cư dân địa phương. Kết cấu ngôi đình theo kiểu "chồng giường - giá chiêng - hạ kẻ" với 6 hàng chân, toàn bộ ngôi đình có 64 cột, đường kính cột lớn nhất trên 0,6m. Giá trị lớn nhất ở đình Đại Phùng chính là trang trí kiến trúc còn giữ nguyên giá trị điêu khắc nghệ thuật thế kỷ 17, các mảng chạm khắc dày đặc với gần 1.000 hoạ tiết có giá trị văn hoá nghệ thuật cao. Nghệ thuật tạo hình ở đình Đại Phùng đạt đến trình độ rất cao hiếm thấy ở nước ta. Đình nổi tiếng được biết đến với nghệ thuật kiến trúc gỗ cổ được coi là kinh điển quý hiếm ở Việt Nam với rất nhiều đề tài và bố cục sống động, phản ánh đời sống xã hội đương thời. Tiêu biểu như hình tượng "Vinh quy bái tổ", "Mả táng hàm rồng", "Tiên tắm đầm sen", "Đấu vật".

Các bức chạm khắc độc đáo tại đình Đại Phùng.

Ngày 9/12/1966, Thủ tướng Phạm Văn Đồng về dự và chỉ đạo Hội nghị Tổng kết công tác cán bộ thủy lợi chuyên toàn miền Bắc do Bộ Thủy Lợi tổ chức tại đình Đại Phùng. Đây cũng là nơi tổ chức Đại hội Đảng bộ huyện Đan Phượng lần thứ 10 năm 1970 và lần thứ 11 năm 1973.

Hình tượng 'Mèo ngoạm cá' ở đình Đại Phùng.

Lễ hội đình Đại Phùng được tổ chức vào ngày 18 tháng Giêng hàng năm là dịp bày tỏ lòng nhớ ơn các vị tiền nhân có công với làng với nước, cầu cho "nhân khang – vật thịnh" đồng thời thỏa mãn sự giao lưu, sáng tạo làm phong phú đời sống văn hóa của cộng đồng. Những năm mở hội lớn, làng Đại Phùng mời các làng trong xã như: Đông Khê, Đoài Khê, Phượng Trì… tham gia hội đồng rước. Đoàn rước kiệu của các làng hoành tráng, cờ biển rợp trời, trống chiêng rộn rã. Nam, phụ, lão, ấu đủ các thành phần đoàn thể cùng vào hội. Đám rước lớn xuất phát từ sân đình Đại Phùng, đi qua làng Đông Khê, Đoài Khê vượt lên triền đê, vòng qua chùa Tam Giáo rồi trở về tập kết ở sân đình. Khí thế hùng dũng oai nghiêm của đoàn rước mô phỏng cảnh xuất quân lịch sử năm xưa của tướng Vũ Hùng đánh tan giặc rợ Cao, giành lại thanh bình cho đất nước.

Cuộc hội quân quy mô lớn của lễ hội Đại Phùng cũng là sự biểu dương sức mạnh tổng hợp của con người và cảnh vật nơi đây. Đó là hình ảnh của "nhân khang vật thịnh". Lễ và hội ở đình Đại Phùng có sự hòa đồng, trong khi ở trong đình diễn ra các tuần tế trang nghiêm thành kính theo nghi thức cổ truyền, thì ở phía ngoài đình diễn ra rất nhiều trò vui náo nhiệt.