TIN CHÍNH CỦA XÃ TIN CHÍNH CỦA XÃ

Về làng Đại Phùng thăm dòng họ có 3 Tiến sĩ được khắc tên lên bia Văn Miếu Quốc Tử Giám
Publish date 12/02/2025 | 10:34  | Lượt xem: 197

Từ thuở xa xưa của thời dựng nước, họ Tạ Đăng cùng với mười một dòng họ khác đã cư ngụ, sinh cơ lập nghiệp, gây dựng nơi này thành trang, sách, trại, hương, lấy tên là Đại Phùng. Cùng với trăm họ trong cộng đồng người Bách Việt, các bậc tiền nhân đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý chí dũng cảm, góp sức cùng chung tay trong công cuộc xây dựng và bảo vệ giang sơn, xã tắc, những tấm gương hào kiệt đã tô thắm sử vàng của dân tộc để cho non sông ta, đất nước ta mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

Nhà thờ họ Tạ Đăng, làng Đại Phùng.

Trong đó, dòng họ Tạ Đăng tại làng Đại Phùng vinh dự khi có tới 3 Tiến sĩ được khắc tên lên bia tiến sĩ Văn Miếu Quốc Tử Giám - biểu tượng muôn đời của văn hiến và trí tuệ Việt.

Tiến sĩ Tạ Đăng Vọng: sinh năm 1644 tại làng Đại Phùng, huyện Đan Phượng trấn Sơn Tây, nay là thôn Đại Phùng, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, thi đỗ Tiến sĩ khoa Quý Hợi (1683) niên hiệu Chính Hòa thứ 4 đời Lê Hy Tông. Làm quan đến Giám sát ngự sử. Ông là người khai khoa ở làng Đại Phùng, sau con cháu ông nhiều người đỗ đạt.

Tiến sĩ Tạ Đăng Huân: sinh năm 1672 tại làng Đại Phùng huyện Đan Phượng, là con trai của Tiến sĩ Tạ Đăng Vọng. Thuở nhỏ ông rất thông minh, thi Hương đỗ Giải nguyên. Niên hiệu Chính Hòa thứ 21 đời Lê Hy Tông ông đỗ Hoàng giáp. Làm quan đến Lễ bộ Hữu thị lang, kiêm Quốc tử giám Tế tửu. Sau được về trí sĩ, mất năm 1741, thọ 70 tuổi. Sau khi mất, được tặng chức Tả thị lang bộ Lễ. Con trai ông là Tạ Đăng Đạo cũng đỗ Tiến sĩ.

Tiến sĩ Tạ Đăng Đạo: sinh năm 1731 tại làng Đại Phùng, huyện Đan Phượng. Sinh ra trong gia đình giầu truyền thống thi thư, ông học rất giỏi, thì Hương đỗ Giải nguyên, khoa thì năm Canh Thìn (1760) niên hiệu Cảnh Hưng thứ 21 đời Lê Hiển Tông, ông đỗ Tiến sĩ, làm quan đến Cấp sự trung ở Lễ khoa. Gia đình ông ba đời kế tiếp đô đại khoa, làm quan trong triều, danh vọng nổi tiếng xứ Đoài.

Ba Tiến sĩ họ Tạ Đăng được khắc tên lên Văn bia Quốc Tử Giám.

Họ Tạ nói chung, họ Tạ Đăng nói riêng trong suốt hàng nghìn năm qua đã tham gia bảo vệ và dựng xây giang sơn, xã tắc vì sự ấm no và bình yên của cả dân tộc. Là biểu trưng, là lời khuyến học hùng hồn cho những kẻ sĩ, sĩ tử thời xưa và những học sinh, sinh viên hôm nay. Để hôm nay và lớp lớp kế thừa mai sau được quyền tự hào và mãi mãi khắc sâu trong tim niềm tự hào về lịch sử và truyền thống của dòng họ Tạ Việt Nam với những tấm gương hào kiệt đã tô thắm sử vàng của dân tộc và làm rạng danh dòng họ.