GIới thiệu chung GIới thiệu chung

Giới thiệu chung về xã Đan Phượng
Ngày đăng 12/05/2021 | 10:49  | Lượt xem: 8900

Đan Phượng là xã nằm sát trung tâm của huyện Đan Phượng, phía Bắc giáp xã Thượng Mỗ, phía Đông giáp xã Tân Hội, phía Tây giáp xã Phương Đình, phía Nam giáp thị trấn Phùng. Tổng diện tích đất tự nhiên là 353,82 ha. Xã có 2751 hộ gồm 9.379 khẩu. Xã có 3 thôn đó là thôn Đông Khê, thôn Đoài Khê, thôn Đại Phùng, mỗi thôn có 2 cụm dân cư; các thôn, cụm dân cư sinh sống gọn, tập trung. Là xã có nhiều đầu mối giao thông liên huyện, liên xã, gần với trung tâm  kinh tế, văn hóa huyện, dân trí tương đối cao nên rất thuận lợi cho phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của địa phương. Trong những năm gần đây, xã có tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, thay vào đó là đất công nghiệp, đất dịch vụ, làng nghề, các công trình giao thông và phúc lợi công cộng. Xã có khu đô thị sinh thái cao cấp diện tích 45ha là điểm du lịch hấp dẫn được thành phố công nhận năm 2021.

 Đan Phượng là xã có bề dày lịch sử văn hóa, đoàn kết, nhân ái, cần cù và sáng tạo trong lao động, sản xuất, có truyền thống đấu tranh cách mạng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Tháng 11/1946 Ủy ban hành chính và Ủy ban kháng chiến sát nhập thành ủy ban kháng chiến hành chính xã Đan Phượng. Trong thời kỳ kháng chiến, xã Đan Phượng đã có hàng nghìn người con tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ Tổ quốc, xã đã chi viện cho kháng chiến hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Hiện xã có 02 lão thành cách mạng, 125 liệt sĩ, 80 thương bệnh binh, 22 gia đình cơ sở cách mạng, 47 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, 17 bà mẹ được tặng và truy tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam anh hùng”. Quá trình xây dựng và phát triển Đan Phượng luôn có các dấu mốc và phong trào nổi bật của huyện trên các lĩnh vực, là xã có phong trào phụ nữ Ba đảm đang, phong trào làm thủy lợi, năm 1966 được Thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm động viên, là một trong những xã có năng suất lúa cao nhất huyện, có phong trào phát triển hợp tác, HTX nông nghiệp đã kết nghĩa với HTX ChanChiu - Triều Tiên; là điểm sản xuất nhiều giống cây trồng cho các trường Đại học, Viện nghiên cứu trung ương; phong trào làm bèo hoa dâu, dâu tằm; các ngành nghề thêu, mây tre đan phát triển; Đình Đại Phùng là nơi diễn ra các sự kiện lớn như Đại hội Đảng, hội nghị lớn của huyện, xã. Năm 1982-1986, xã Đan Phượng đã hoàn thành thực hiện cơ chế khoán 100 và khoán 10 trong nông nghiệp theo chỉ đạo của huyện và thành phố Hà Nội. Giai đoạn 1980-1987, HTX Đan Phượng được nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng nhất, nhì, ba và được tặng nhiều cờ thi đua xuất sắc của Bộ Nông nghiệp, UBND tỉnh Hà Sơn Bình, Hà Nội trong sản xuất nông nghiệp.

Trong thời kỳ đổi mới xã Đan Phượng đã phát huy truyền thống và tranh thủ những thời cơ, thuận lợi về đất đai, vị trí địa lý để đẩy lùi khó khăn, thách thức, nỗ lực xây dựng xã ngày càng giàu mạnh và phát triển. Năm 1997, HTX nông nghiệp được huyện chọn làm điểm chuyển đổi thực hiện theo Luật HTX. Năm 1998 xã được huyện chọn làm điểm chuyển đổi, dồn ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn từ 11.300 thửa xuống còn 5.600 thửa. Năm 1998, xã tiến hành kiên cố hóa kênh mương; sau 5 năm thực hiện xã đã kiên cố được trên 90% kênh tưới. Qua đó đã tạo điều kiện cho phong trào vụ đông phát triển và đã trở thành vụ sản xuất chính trong năm làm cho đời sống nhân dân được nâng cao. Năm 1995, xã Đan Phượng được đón Tổng Bí thư Đỗ Mười về thăm. Thực hiện sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, xã Đan Phượng đã có nhiều đổi mới. Vào năm 2000, xã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.

Đến năm 2020 thu nhập bình quân đầu người đạt 73,65 triệu đồng /người/năm, cơ cấu kinh tế CN-TTCN chiếm 46,4%, TMDV chiếm 41,3%, nông nghiệp chiếm 12,3%; lao động phi nông nghiệp chiếm 91,9%. Trong nông nghiệp cơ cấu cây trồng được chuyển đổi mạnh, một số mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, công nghệ cao được hình thành và tạo được thương hiệu sản phẩm OCOP, ngành nghề nông thôn phát triển, điểm CN được mở rộng, nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, các hoạt động dịch vụ ngày càng đa dạng và phong phú.

Đất đai được quy hoạch dài hạn và sử dụng hiệu quả. Đã quy hoạch khu trung tâm xã và phát triển khu dân cư mới. Hệ thống giao thông nông thôn được mở rộng và nhựa hóa hiện đại cùng với hệ thống tiêu thoát nước, cây xanh, ao môi trường được đảm bảo. Một số tuyến đường được trồng hoa, vẽ tranh bích họa có tính lan tỏa cao, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

Ba cấp học đều đạt chuẩn quốc gia mức độ I từ 2018-2020; trường Tiểu học và Mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Chất lượng giáo dục được nâng lên thể hiện qua các đội tuyển, tỷ lệ tốt nghiệp cao, học sinh đỗ Đại học trung bình 50-60 em/năm. Trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Hệ thống điện được đầu tư lớn đảm bảo cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Lĩnh vực văn hóa, thể thao phát triển mạnh đã đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về đời sống tinh thần của nhân dân với 8 CLB văn nghệ, thơ, trống hội; 7 CLB thể thao như dưỡng sinh, cầu lông, bóng chuyến hơi; sân bóng đá mini phù hợp với điều kiện nông thôn. Các hội quần chúng hoạt động ngày càng hiệu quả. Công tác an sinh xã hội được quan tâm. Tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2020 còn 0,07% (02 hộ); tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch đạt 91%, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%; các gia đình người có công, gia đình chính sách thường xuyên được quan tâm, chăm lo và có đời sống trên mức trung bình của xã.

Các giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ và bảo tồn. Toàn xã có 05 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, 01 di tích cấp thành phố. Đình Đại Phùng được Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2019. Hiện các thôn đã in ấn phát hành cuốn Lịch sử văn hóa làng, các hương ước, quy chế được ban hành và sửa đổi thường xuyên. 3 thôn đều đạt Làng văn hóa, 5 cơ quan văn hóa, xã đạt xã văn hóa nông thôn mới. Toàn xã có 97,63% số hộ gia đình văn hóa.

Tình hình an ninh trật tự xã hội được giữ vững, thực hiện tốt phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, công tác tuyển quân, huấn luyện DQTV, DBĐV đảm bảo 100% chỉ tiêu giao. Công an, Quân sự nhiều năm liền là đơn vị quyết thắng.

Hệ thống chính trị hoạt động hiệu quả. Đảng bộ có 347 Đảng viên sinh hoạt ở 10 chi bộ. HĐND, UBND làm tốt vai trò giám sát và quản lý nhà nước bằng phát luật ở địa phương. Các đoàn thể thực hiện tốt các phong trào và vận động quần chúng thực hiện tốt các nhiệm vụ ở địa phương. Nhiều năm liền, Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể xã đạt trong sạch, vững mạnh. Đan Phượng luôn giữ vững là một trong những xã là lá cờ đầu của huyện. Với những phong trào, việc làm hiệu quả xã đã được đón nhiều đoàn khách quốc tế, trong nước về thăm và đánh giá cao về những kết quả nổi bật của xã qua các thời kỳ.

Năm 2019,  xã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhất thời kỳ đổi mới; xã cũng đã được tặng thưởng nhiều cờ thi đua xuất sắc, bằng khen của Chính phủ, Bộ ngành và thành phố ghi nhận thành tích của xã trong thời kỳ đổi mới.

Năm 2013 xã được Thành phố công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới. Năm 2018, Thành phố công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao đến năm 2021 xã quyết tâm thực hiện thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu Thủ đô và phấn đấu trở thành phường đến năm 2025.